- Trang chủ
- Vấn đề thường gặp
Vấn đề thường gặp
Vấn đề liên quan
- Quyết toán thuế TNCN
- Hóa đơn điện tử
- 1. Quyết toán thuế TNCN là gì?
-
Câu hỏi: Quyết toán thuế TNCN là gì?
Trả lời: Theo quy định tại điều 2 và 26 Thông tư số 111/2013/TT- TC và Thông tư số 156/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính, Cơ quan chi trả thu nhập cho cá nhân thực hiện việc giữ lại tiền thuế, trừ vào thu nhập trả cho cá nhân (khấu trừ thuế) theo tháng hoặc theo quý. Do đó tại thời điểm cuối năm cần thực hiện quyết toán thuế TNCN để tổng hợp lại tổng thu nhập người nộp thuế nhận được trong năm dương lịch và tính lại chính xác số thuế TNCN mà cá nhân đó phải nộp. Trong 10 loại thu nhập tính thuế TNCN thì chỉ có thuế TNCN từ tiền lương, tiền công là phải thực hiện quyết toán thuế.
- 2. Đối tượng nào phải quyết toán thuế TNCN trực tiếp tại Cơ quan Thuế
-
Câu hỏi: Đối tượng nào phải quyết toán thuế TNCN trực tiếp tại Cơ quan Thuế
Trả lời: Đối với cá nhân trực tiếp quyết toán với cơ quan Thuế Cá nhân có số thuế phải nộp thêm (trừ trường hợp số thuế nộp thêm từ 50.000 đồng trở xuống). Cá nhân có số thuế nộp thừa và có đề nghị hoàn thuế. Cá nhân là người nước ngoài kết thúc hợp đồng làm việc tại Việt Nam phải kê khai quyết toán thuế với Cơ quan Thuế trước khi xuất cảnh. Trường hợp đủ điều kiện được ủy quyền thì cá nhân có thể ủy quyền cho tổ chức trả thu nhập quyết toán theo quy định.
- 3. Cá nhân phải thực hiện quyết toán thuế TNCN các khoản thu nhập nào?
-
Câu hỏi: Cá nhân phải thực hiện quyết toán thuế TNCN các khoản thu nhập nào?
Trả lời: Hiện nay theo quy định của thuế TNCN (Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC) đối với thuế TNCN thì có 10 khoản thu nhập chịu thuế. Hiện tại việc quyết toán thuế TNCN chỉ áp dụng đối với loại thu nhập từ tiền lương, tiền công.
- 4. Một bộ hồ sơ quyết toán thuế TNCN đầy đủ gồm những gì?
-
Câu hỏi: Một bộ hồ sơ quyết toán thuế TNCN đầy đủ gồm những gì?
Trả lời:
1. Tờ khai quyết toán thuế TNCN mẫu số 02/QTT-TNCN.
2. Phụ lục Bảng kê giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc mẫu số 02-1/BK-QTT-TNCN (nếu có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc).
3. Bản chụp các chứng từ chứng minh số thuế đã khấu trừ, đã tạm nộp trong năm; số thuế đã nộp ở nước ngoài (nếu có).
4. Bản chụp các hóa đơn chứng từ chứng minh khoản đóng góp vào quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học (nếu có).
5. Hồ sơ đăng ký người phụ thuộc (nếu tính giảm trừ cho người phụ thuộc tại thời điểm quyết toán thuế đối với người phụ thuộc chưa thực hiện đăng ký)
6. Trường hợp cá nhân nhận thu nhập từ các tổ chức Quốc tế, Đại sứ quán, Lãnh sự quán và nhận thu nhập từ nước ngoài phải có tài liệu chứng minh về số tiền đã trả của đơn vị, tổ chức trả thu nhập ở nước ngoài.
- 5. Nơi nộp hồ sơ khai quyết toán thuế TNCN
-
Câu hỏi: Nơi nộp hồ sơ khai quyết toán thuế TNCN
Trả lời: Nơi nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân thực hiện theo hướng dẫn cụ thể tại Khoản 8 Điều 11 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ. Trường hợp cá nhân khai và nộp tờ khai quyết toán thuế TNCN tại trang web https://canhan.gdt.gov.vn thì hệ thống có chức năng hỗ trợ xác định cơ quan thuế quyết toán dựa trên thông tin liên quan đến nghĩa vụ thuế phát sinh trong năm do cá nhân kê khai.
Nơi nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân được xác định cụ thể như sau:
1. Đối với tổ chức trả thu nhập nộp hồ sơ khai quyết toán thuế TNCN cho cơ quan Thuế trực tiếp quản lý tổ chức trả thu nhập đó.
2. Đối với cá nhân trực tiếp quyết toán với cơ quan Thuế:
– Cá nhân cư trú có thu nhập tiền lương, tiền công tại một nơi và thuộc diện tự khai thuế trong năm thì nộp hồ sơ khai quyết toán thuế tại cơ quan thuế nơi cá nhân trực tiếp khai thuế trong năm theo quy định tại điểm a Khoản 8 Điều 11 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP. Trường hợp cá nhân có thu nhập tiền lương, tiền công tại hai nơi trở lên bao gồm cả trường hợp vừa có thu nhập thuộc diện khai trực tiếp, vừa có thu nhập do tổ chức chi trả đã khấu trừ thì cá nhân nộp hồ sơ khai quyết toán thuế tại cơ quan thuế nơi có nguồn thu nhập lớn nhất trong năm. Trường hợp không xác định được nguồn thu nhập lớn nhất trong năm thì cá nhân tự lựa chọn nơi nộp hồ sơ quyết toán tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp tổ chức chi trả hoặc nơi cá nhân cư trú.
– Cá nhân cư trú có thu nhập tiền lương, tiền công thuộc diện tổ chức chi trả khấu trừ tại nguồn từ hai nơi trở lên thì nộp hồ sơ khai quyết toán thuế như sau:
+ Cá nhân đã tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân tại tổ chức, cá nhân trả thu nhập nào thì nộp hồ sơ khai quyết toán thuế tại cơ quan thuế trực tiếp quản lý tổ chức, cá nhân trả thu nhập đó. Trường hợp cá nhân có thay đổi nơi làm việc và tại tổ chức, cá nhân trả thu nhập cuối cùng có tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân thì nộp hồ sơ khai quyết toán thuế tại cơ quan thuế quản lý tổ chức, cá nhân trả thu nhập cuối cùng. Trường hợp cá nhân có thay đổi nơi làm việc và tại tổ chức, cá nhân trả thu nhập cuối cùng không tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân thì nộp hồ sơ khai quyết toán thuế tại cơ quan thuế nơi cá nhân cư trú. Trường hợp cá nhân chưa tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân ở bất cứ tổ chức, cá nhân trả thu nhập nào thì nộp hồ sơ khai quyết toán thuế tại cơ quan thuế nơi cá nhân cư trú.
+ Trường hợp cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động, hoặc ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng, hoặc ký hợp đồng cung cấp dịch vụ có thu nhập tại một nơi hoặc nhiều nơi đã khấu trừ 10% thì nộp hồ sơ khai quyết toán thuế tại cơ quan thuế nơi cá nhân cư trú.
+ Cá nhân cư trú trong năm có thu nhập từ tiền lương, tiền công tại một nơi hoặc nhiều nơi nhưng tại thời điểm quyết toán không làm việc tại tổ chức, cá nhân trả thu nhập nào thì nơi nộp hồ sơ khai quyết toán thuế là cơ quan thuế nơi cá nhân cư trú.
- 6. Quyết toán thuế TNCN là làm theo từng năm hay là cộng dồn các năm?
-
Câu hỏi: Quyết toán thuế TNCN là làm theo từng năm hay là cộng dồn các năm?
Trả lời: Cá nhân thực hiện quyết toán thuế TNCN theo từng năm chứ không cộng dồn các năm lại. Theo điểm a khoản 1 Điều 6 Thông tư 111/2013/TT-BTC Kỳ tính thuế theo năm: áp dụng đối với thu nhập từ kinh doanh và thu nhập từ tiền lương, tiền công:
+ Trường hợp trong năm dương lịch, cá nhân có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên thì kỳ tính thuế được tính theo năm dương lịch.
+ Trường hợp trong năm dương lịch, cá nhân có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày nhưng tính trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam là từ 183 ngày trở lên thì kỳ tính thuế đầu tiên được xác định là 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Từ năm thứ hai, kỳ tính thuế căn cứ theo năm dương lịch.
- 7. Thời hạn để nộp quyết toán thuế TNCN khác nhau như thế nào giữa trường hợp hoàn thuế TNCN và trường hợp phải nộp thêm khi quyết toán?
-
Câu hỏi: Thời hạn để nộp quyết toán thuế TNCN khác nhau như thế nào giữa trường hợp hoàn thuế TNCN và trường hợp phải nộp thêm khi quyết toán?
Trả lời: Đối với cá nhân trực tiếp quyết toán thuế TNCN:
+ Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ tư kể từ ngày kết thúc năm dương lịch.
+ Trường hợp thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế trùng với ngày nghỉ theo quy định thì thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế là ngày làm việc tiếp theo. (Cụ thể kỳ quyết toán thuế năm 2021: thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế của cá nhân chậm nhất là ngày 04/05/2022).
Đối với trường hợp cá nhân có số thuế TNCN nộp thừa, có yêu cầu hoàn thuế hoặc bù trừ thuế vào kỳ sau, người nộp thuế nộp hồ sơ sau ngày hạn chót sẽ không bị xử phạt vi phạm hành chinh.
- 8. Trường hợp đã ủy quyền quyết toán cho công ty mà tại thời điểm quyết toán phát hiện ra mình có thêm nguồn thu nhập và thuộc trường hợp phải quyết toán thuế TNCN thì xin chứng từ khấu trừ ở nơi ủy quyền quyết toán như thế nào?
-
Câu hỏi: Trường hợp đã ủy quyền quyết toán cho công ty mà tại thời điểm quyết toán phát hiện ra mình có thêm nguồn thu nhập và thuộc trường hợp phải quyết toán thuế TNCN thì xin chứng từ khấu trừ ở nơi ủy quyền quyết toán như thế nào
Trả lời: Theo công văn hướng dẫn quyết toán thuế của Tổng Cục thuế số 636/TCT-DNNCN ngày 12/03/2021. Cá nhân sau khi đã ủy quyền quyết toán thuế, tổ chức trả thu nhập đã thực hiện quyết toán thuế thay cho cá nhân, nếu phát hiện cá nhân thuộc diện trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế thì tổ chức trả thu nhập không điều chỉnh lại quyết toán thuế TNCN của tổ chức trả thu nhập, chỉ cấp chứng từ khấu trừ thuế cho cá nhân theo số quyết toán và ghi vào góc dưới bên trái của chứng từ khấu trừ thuế nội dung: “Công ty … đã quyết toán thuế TNCN thay cho Ông/Bà …. (theo ủy quyền) tại dòng (số thứ tự) … của Phụ lục Bảng kê 05-1/BK-TNCN” để cá nhân trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế”.
- 9. Những khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học nào được cho phép được giảm trừ khi quyết toán thuế TNCN?
-
Câu hỏi: Những khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học nào được cho phép được giảm trừ khi quyết toán thuế TNCN?
Trả lời: Những khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học nào được cho phép được giảm trừ khi quyết toán thuế TNCN:
1. Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học được trừ vào thu nhập chịu thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công trước khi tính thuế của người nộp thuế là cá nhân cư trú, bao gồm:
+ Khoản chi đóng góp vào các tổ chức, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người khuyết tật, người già không nơi nương tựa.
Các tổ chức cơ sở chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, phải được thành lập và hoạt động theo quy định tại Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội; Nghị định số 81/2012/NĐ-CP ngày 08/10/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 68/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội và Nghị định số 109/2002/NĐ-CP ngày 27/12/2002 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 195/CP ngày 31/12/1994 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.
Tài liệu để chứng minh đóng góp vào các tổ chức, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người khuyết tật, người già không nơi nương tựa là chứng từ thu hợp pháp của tổ chức, cơ sở.
+ Khoản chi đóng góp vào các quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học được thành lập và hoạt động theo quy định tại Nghị định số 30/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện, hoạt động vì mục đích từ thiện, nhân đạo, khuyến học, không nhằm mục đích lợi nhuận và quy định tại các văn bản khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ.
Tài liệu chứng minh đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học là chứng từ thu hợp pháp do các tổ chức, các quỹ của Trung ương hoặc của tỉnh cấp.
2. Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học phát sinh vào năm nào được giảm trừ vào thu nhập chịu thuế của năm tính thuế đó, nếu giảm trừ không hết không được trừ vào thu nhập chịu thuế của năm tính thuế tiếp theo. Mức giảm trừ tối đa không vượt quá thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và thu nhập từ kinh doanh của năm tính thuế phát sinh đóng góp từ thiện nhân đạo, khuyến học.
- 10. Trường hợp công ty đã giải thể, không xin được chứng từ khấu trừ thuế và thư xác nhận thu nhập thì cá nhân phải làm thế nào để quyết toán thuế TNCN đúng hạn?
-
Câu hỏi: Trường hợp công ty đã giải thể, không xin được chứng từ khấu trừ thuế và thư xác nhận thu nhập thì cá nhân phải làm thế nào để quyết toán thuế TNCN đúng hạn?
Trả lời: Trường hợp tổ chức trả thu nhập không cấp chứng từ khấu trừ thuế cho cá nhân do tổ chức trả thu nhập đã chấm dứt hoạt động, cơ quan thuế căn cứ cơ sở dữ liệu của ngành thuế để xem xét xử lý hồ sơ quyết toán thuế cho cá nhân mà không bắt buộc có chứng từ khấu trừ thuế.
- 11. Trường hợp cá nhân phải nộp thêm số thuế TNCN khi quyết toán thuế thì cá nhân nộp như thế nào?
-
Câu hỏi: Trường hợp cá nhân phải nộp thêm số thuế TNCN khi quyết toán thuế thì cá nhân nộp như thế nào?
Trường hợp người nộp thuế có số thuế phải nộp trong năm, người nộp thuế có thể đến các ngân hàng để đóng thuế. Nội dung nộp tiền: Tiền thuế TNCN nộp bổ sung cho kỳ thuế năm 2021.
Nếu có phát sinh tiền chậm nộp: tiền chậm nộp thuế TNCN tiểu mục: 4917, mã chương 557 đối với nộp tiền về Cục Thuế hoặc 757 đối với nộp tiền về các Chi cục Thuế.
Số tiền chậm nộp = số thuế phải nộp * 0,03%/ngày.
Tài khoản của Cục thuế TP HCM và 20 Chi cục Thuế quận/huyện/khu vực và TP.Thủ Đức. Hoặc người nộp thuế có thể đóng thuế qua APP HCMTAX.
- 12. Nếu thông tin trên thư xác nhận thu nhập và chứng từ khấu trừ thuế không giống nhau thì xử lý như thế nào?
-
Câu hỏi: Nếu thông tin trên thư xác nhận thu nhập và chứng từ khấu trừ thuế không giống nhau thì xử lý như thế nào?
Trả lời: Nếu thông tin trên thư xác nhận thu nhập và chứng từ khấu trừ thuế không giống nhau thì người nộp thuế phải liên hệ lại cơ quan chi trả thu nhập, yêu cầu cơ quan chi trả thu nhập cấp xác nhận và cấp lại thư xác nhận thu nhập/chứng từ khấu trừ thuế đúng và khớp với thu nhập mình thực nhận trong năm.
- 13. Có thể đăng ký tài khoản giao dịch điện tử như thế nào?
-
Câu hỏi: Có thể đăng ký tài khoản giao dịch điện tử như thế nào?
Trả lời: Người nộp thuế xem hướng dẫn cách đăng ký tài khoản giao dịch điện tử chi tiết tại đây
- 14. Các trường hợp vướng mắc khi đăng ký tài khoản giao dịch điện tử và cách khắc phục
-
Câu hỏi: Các trường hợp vướng mắc khi đăng ký tài khoản giao dịch điện tử và cách khắc phục
Trả lời: Người nộp thuế xem hướng dẫn chi tiết tại đây
- 15. Làm cách nào để chuyển đổi mã số thuế của người phụ thuộc sang mã số thuế của người nộp thuế?
-
Câu hỏi: Làm cách nào để chuyển đổi mã số thuế của người phụ thuộc sang mã số thuế của người nộp thuế?
Trả lời: Bạn cần liên hệ Cơ quan Thuế quản lý và nộp mẫu 08-MST để được cập nhật lại thông tin.
Lưu ý: Đối với người nộp thuế được quản lý bởi các Cơ quan Thuế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có thể nộp trực tuyến mẫu 08-MST thông qua ứng dụng HCMTax mà không cần liên hệ trực tiếp Cơ quan Thuế.
- 16. Nếu có thay đổi căn cước công dân thì mã số thuế có cần cập nhật gì không?
-
Câu hỏi: Nếu có thay đổi căn cước công dân thì mã số thuế có cần cập nhật gì không?
Trả lời: Căn cứ theo quy định tại khoản 3, Điều 10 Thông tư số 105/2020/TT-BTC ngày 03/12/2020 của Bộ Tài Chính thì khi thay đổi thông tin đăng ký thuế, cá nhân cần ủy quyền cho tổ chức chi trả thu nhập cập nhật thông tin theo quy định. Đối với cá nhân tự đăng ký (nếu đang không làm việc cho tổ chức nào) thì cá nhân liên hệ Cơ quan Thuế quản lý để nộp mẫu 08-MST để được cập nhật thông tin.
Lưu ý: Đối với người nộp thuế được quản lý bởi các Cơ quan Thuế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có thể nộp trực tuyến mẫu 08-MST thông qua ứng dụng HCMTax mà không cần liên hệ trực tiếp Cơ quan Thuế.
- 17. Thủ tục đăng ký giảm trừ gia cảnh và thời hạn để đăng ký như thế nào?
-
Câu hỏi: Thủ tục đăng ký giảm trừ gia cảnh và thời hạn để đăng ký như thế nào?
Trả lời: Người nộp thuế xem hướng dẫn chi tiết tại đây.
- 18. Trường hợp bị mất mật khẩu đăng nhập tài khoản giao dịch điẹn tử trên trang thuedientu thì làm sao để lấy lại được mật khẩu?
-
Câu hỏi: Trường hợp bị mất mật khẩu đăng nhập tài khoản giao dịch điện tử trên trang thuedientu thì làm sao để lấy lại được mật khẩu?
Trả lời:
Trường hợp 1: Người nộp thuế còn giữ số điện thoại đã đăng ký: Người nộp thuế tự vào trang web https://thuedientu.gdt.gov.vn, mục Cá nhân, chọn Đăng nhập ở góc phải trên màn hình, chọn Quên mật khẩu, nhập đầy đủ thông tin để tự lấy lại mật khẩu qua tin nhắn xác thực bằng mã OTP.
Trường hợp 2: Người nộp thuế không nhớ được thông tin số điện thoại đã đăng ký: Trường hợp này, người nộp thuế liên hệ với Cơ quan Thuế quản lý để cập nhật lại số điện thoại và lấy lại mật khẩu. Người nộp thuế có thể tra cứu thông tin Cơ quan Thuế quản lý ở chức năng Cá nhân/Tra cứu thông tin người nộp thuế.
Lưu ý: Đối với người nộp thuế là cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh, cho thuê nhà thì liên hệ với Chi cục Thuế nơi đăng ký kinh doanh hoặc có nguồn tài sản hình thành để kiểm tra.
- 19. Chọn nơi quyết toán thuế thu nhập cá nhân như thế nào?
-
Câu hỏi: Chọn nơi quyết toán thuế thu nhập cá nhân như thế nào?
Trả lời: Người nộp thuế xem hướng dẫn chi tiết tại đây.
- 20. Sau khi kê khai trực tuyến và nộp tờ khai thành công nhưng không thấy trang đính kèm phụ lục?
-
Câu hỏi: Sau khi kê khai trực tuyến và nộp tờ khai thành công nhưng không thấy trang đính kèm phụ lục?
Trả lời: Trường hợp người nộp thuế dùng thông tin tra cứu ở mục Tra cứu thông tin người nộp thuế trên trang canhan.gdt.gov.vn để đăng nhập không phải là hình thức giao dịch điện tử, do đó không hiển thị trang đính kèm phụ lục. người nộp thuế cần thực hiện các bước đăng ký tài khoản giao dịch thuế điện tử.
Người nộp thuế đã hoàn tất việc đăng ký tài khoản giao dịch điện tử với Cơ quan Thuế, đăng nhập bằng mã số thuế và mật khẩu được cấp, khi gửi tờ khai có xác thực mã OTP thì mới có chức năng gửi đính kèm phụ lục.
- 21. Nộp tờ khai quyết toán thành công nhưng khi tra cứu lại thấy thông báo trạng thái là đang “chờ phê duyệt”?
-
Câu hỏi: Nộp tờ khai quyết toán thành công nhưng khi tra cứu lại thấy thông báo trạng thái là đang “chờ phê duyệt”?
Trả lời: Người nộp thuế cần lưu ý trường hợp chưa có tài khoản giao dịch điện tử, khi người nộp thuế hoàn thành nộp tờ khai, tờ khai sẽ ở trạng thái “iCanhan-Chờ phê duyệt”. Hoặc đã gửi tờ khai trước thời điểm đăng ký tài khoản giao dịch điện tử nhưng tra cứu lại tờ khai và đính kèm chứng từ thì hồ sơ vẫn ở trạng thái “iCanhan-Chờ phê duyệt”. Nếu chưa có tài khoản giao dịch, người nộp thuế cần đăng ký và nộp lại tờ khai quyết toán có đính kèm phụ lục để hệ thống tự nhận vào ứng dụng Quản lý Thuế.
- 22. Kê khai quyết toán thuế TNCN thông qua tài khoản giao dịch điện tử và đã được cơ quan thuế gửi tin nhắn thành công thì có phải lên cơ quan thuế nộp hồ sơ nữa hay không?
-
Câu hỏi: Kê khai quyết toán thuế TNCN thông qua tài khoản giao dịch điện tử và đã được cơ quan thuế gửi tin nhắn thành công thì có phải lên cơ quan thuế nộp hồ sơ nữa hay không?
Trả lời: Trong trường hợp người nộp thuế đã tạo tài khoản giao dịch điện tử thành công và sử dụng tài khoản đó để thực hiện quyết toán thuế TNCN từ tiền lương, tiền công cũng như các giao dịch khác, hệ thống tiếp nhận tờ khai sẽ thông báo về việc tiếp nhận hồ sơ khai thuế điện tử và sẽ có thông báo về việc chấp nhận hồ sơ. Sau khi đã có thông báo về việc chấp nhận hồ sơ, người nộp thuế không phải gửi hồ sơ bản giấy đến cơ quan thuế (trực tiếp tại cơ quan thuế hoặc thông qua đường bưu điện). Trong quá trình kiểm tra hồ sơ, nếu phát hiện có sự sai sót, các thông tin mà người nộp thuế kê khai có sự khác biệt với các thông tin của Cơ quan Thuế, Cơ quan Thuế sẽ liên hệ trực tiếp với người nộp thuế để làm rõ.
- 23. Nếu nộp tờ khai lần đầu thành công tuy nhiên sai Cơ quan Thuế quyết toán thì nộp lại tờ khai như thế nào?
-
Câu hỏi: Nếu nộp tờ khai lần đầu thành công tuy nhiên sai Cơ quan Thuế quyết toán thì nộp lại tờ khai như thế nào?
Trả lời: Trường hợp người nộp thuế nộp tờ khai quyết toán thuế TNCN lần đầu bị sai Cơ quan Thuế quyết toán, người nộp thuế nộp công văn đề nghị hủy tờ khai tại Cơ quan Thuế đã nộp sai. Sau khi Cơ quan Thuế hủy tờ khai quyết toán thuế TNCN, người nộp thuế nộp tờ khai quyết toán thuế TNCN chính thức về Cơ quan Thuế đúng.
- 24. Cách tra cứu tình trạng hồ sơ quyết toán thuế TNCN ở Cục thuế TP.HCM?
-
Câu hỏi: Cách tra cứu tình trạng hồ sơ quyết toán thuế TNCN ở Cục thuế TP.HCM?
Trả lời: Trường hợp người nộp thuế đã nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN tại Cục Thuế hoặc các Chi cục Thuế trực thuộc Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh có thể theo dõi tiến độ Cơ quan thuế xử lý hồ sơ trên ứng dụng HCMTax hoặc website https://hcmtax.gov.vn
- 1. Hóa đơn điện tử là gì?
-
Câu hỏi: Hóa đơn điện tử là gì?
Trả lời: Hóa đơn điện tử (HĐĐT) là hóa đơn có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế được thể hiện ở dạng dữ liệu điện tử do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập bằng phương tiện điện tử để ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật, bao gồm cả trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với Cơ quan Thuế.
- 2. Hình thức hóa đơn điện tử là gì?
-
Câu hỏi: Hóa đơn điện tử là gì?
Trả lời:
Có 3 hình thức HĐĐT gồm:1. HĐĐT có mã của cơ quan thuế
2. HĐĐT không có mã của cơ quan thuế
3. Hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu với Cơ quan Thuế
- 3. Hóa đơn điện tử của Cơ quan Thuế
-
Câu hỏi: Hóa đơn điện tử của Cơ quan Thuế là gì?
Trả lời: HĐĐT có mã của Cơ quan Thuế là HĐĐT được Cơ quan Thuế cấp mã trước khi tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua.
- 4. Mã của Cơ quan Thuế trên hóa đơn điện tử
-
Câu hỏi: Mã của Cơ quan Thuế trên Hóa đơn điện tử là gì?
Trả lời: Mã của cơ quan thuế trên HĐĐT bao gồm số giao dịch là một dãy số duy nhất do hệ thống của Cơ quan Thuế tạo ra và một chuỗi ký tự được Cơ quan Thuế mã hóa dựa trên thông tin của người bán lập trên hóa đơn.
- 5. Hóa đơn điện tử không có mã của Cơ quan Thuế
-
Câu hỏi: Hóa đơn điện tử không có mã của Cơ quan Thuế là gì?
Trả lời: HĐĐT không có mã của Cơ quan Thuế là HĐĐT do tổ chức bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua không có mã của Cơ quan Thuế.
- 6. Hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền
-
Câu hỏi: Hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền là gì?
Trả lời: Là HĐĐT có mã của Cơ quan Thuế được in ra từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu với Cơ quan Thuế.
- 7. Nguyên tắc của Hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền
-
Câu hỏi: Nguyên tắc của Hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền?
Trả lời: Hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu điện tử với Cơ quan Thuế được xác định là khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp khi xác định nghĩa vụ thuế và đảm bảo nguyên tắc sau:
1. Nhận biết được hóa đơn in từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu điện tử với Cơ quan Thuế
2. Không bắt buộc có chữ ký số
3. Tra cứu được thông tin hóa đơn từ Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế về hóa đơn.
- 8. Hóa đơn điện tử phải theo định dạng nào?
-
Câu hỏi: Hóa đơn điện tử phải theo định dạng nào?
Trả lời: HĐĐT sử dụng ngôn ngữ định dạng văn bản XML theo Quyết định số 1450/QĐ-TCT ngày 7/10/2021 của Tổng cục Thuế.
- 9. Ai được áp dụng Hóa đơn điện tử có mã của Cơ quan Thuế?
-
Câu hỏi: Ai được áp dụng Hóa đơn điện tử có mã của Cơ quan Thuế?
Trả lời: Người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ là Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh không thuộc trường hợp ngừng sử dụng hóa đơn theo quy định đều được đăng ký sử dụng HĐĐT có mã của Cơ quan Thuế.
- 10. Ai được áp dụng Hóa đơn điện tử không có mã của Cơ quan Thuế?
-
Câu hỏi: Ai được áp dụng Hóa đơn điện tử không có mã của Cơ quan Thuế?
Trả lời: Người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ là Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế kinh doanh ở lĩnh vực điện lực, xăng dầu, bưu chính viễn thông, nước sạch, tài chính tín dụng, bảo hiểm, y tế, kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh siêu thị, thương mại, vận tải hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy và đáp ứng các điều kiện về cơ sở hạ tầng về CNTT thì được áp dụng HĐĐT không có mã của Cơ quan Thuế.
- 11. Điều kiện hạ tầng CNTT để áp dụng HĐĐT không mã?
-
Câu hỏi: Điều kiện hạ tầng CNTT để áp dụng HĐĐT không mã?
Trả lời: Doanh nghiệp phải có cơ sở hạ tầng về CNTT để thực hiện giao dịch với Cơ quan Thuế bằng phương tiện điện tử; có hệ thống phần mềm kế toán, phần mềm lập HĐĐT đáp ứng lập, tra cứu HĐĐT, lưu trữ dữ liệu HĐĐT theo quy định và bảo đảm việc truyền dữ liệu HĐĐT đến người mua và đến Cơ quan Thuế.
- 12. Ai được áp dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền?
-
Câu hỏi: Ai được áp dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền?
Trả lời: Doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai có hoạt động cung cấp hàng hoá, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng theo mô hình kinh doanh (trung tâm thương mại; siêu thị; bán lẻ hàng tiêu dùng; ăn uống; nhà hàng; khách sạn; bán lẻ thuốc tân dược; dịch vụ vui chơi, giải trí và các dịch vụ khác) được lựa chọn sử dụng hoá đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với Cơ quan Thuế hoặc HĐĐT có mã, HĐĐT không có mã.
- 13. Ai được áp dụng miễn phí HĐĐT có mã của CQT?
-
Câu hỏi: Ai được áp dụng miễn phí HĐĐT có mã của CQT?
Trả lời: Có 2 trường hợp được sử dụng HĐĐT có mã của Cơ quan Thuế không thu tiền gồm:
a) Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ, cá nhân kinh doanh tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
b) Doanh nghiệp nhỏ và vừa khác theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi Bộ Tài chính trừ doanh nghiệp hoạt động tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao.
- 14. Thời gian sử dụng miễn phí HĐĐT có mã?
-
Câu hỏi: Thời gian sử dụng miễn phí HĐĐT có mã?
Trả lời: Trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế không phải trả tiền dịch vụ trong thời gian 12 tháng kể từ khi bắt đầu sử dụng hóa đơn điện tử gồm:
a) Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ, cá nhân kinh doanh tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện theo Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư ban hành kèm theo Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế nếu có.
b) Doanh nghiệp nhỏ và vừa khác theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi Bộ Tài chính trừ doanh nghiệp hoạt động tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao.
- 15. Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn
-
Câu hỏi: Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn?
Trả lời: Theo Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/03/2021 của Chính phủ.
- 16. Tiêu chí xác định Doanh nghiệp nhỏ và vừa
-
Câu hỏi: Tiêu chí xác định Doanh nghiệp nhỏ và vừa?
Trả lời: Theo Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/08/2021 của Chính phủ.
- 17. Đăng ký sử dụng HĐĐT như thế nào?
-
Câu hỏi: Đăng ký sử dụng HĐĐT như thế nào?
Trả lời: Tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng HĐĐT thông qua cổng thông tin điện tử của tổ chức cung cấp dịch vụ hoặc cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế và nhập đầy đủ thông tin vào Mẫu số 01/ĐKTĐ-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.
- 18. Thời gian CQT xử lý đăng ký sử dụng HĐĐT?
-
Câu hỏi: Thời gian CQT xử lý đăng ký sử dụng HĐĐT?
Trả lời: Trong thời gian 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đăng ký sử dụng HĐĐT, Cơ quan Thuế sẽ có thông báo chấp nhận/không chấp nhận cho người gửi đăng ký.
- 19. Cơ quan Thuế gửi thông báo chấp nhận/không chấp nhận cho người đăng ký bằng hình thức nào?
-
Câu hỏi: Cơ quan Thuế gửi thông báo chấp nhận/không chấp nhận cho người đăng ký bằng hình thức nào?
Trả lời: Cơ quan Thuế gửi thông báo qua địa chỉ thư điện tử đã đăng ký trên tờ khai.
- 20. Khi nào tổ chức, cá nhân được bắt đầu sử dụng HĐĐT?
-
Câu hỏi: Khi nào tổ chức, cá nhân được bắt đầu sử dụng HĐĐT?
Trả lời: Kể từ thời điểm Cơ quan Thuế chấp nhận đăng ký.
- 21. Sau khi được Cơ quan Thuế chấp nhận thì tôi phải làm gì với hóa đơn cũ?
-
Câu hỏi: Sau khi được Cơ quan Thuế chấp nhận thì tôi phải làm gì với hóa đơn cũ?
Trả lời: Trước khi sử dụng HĐĐT thì tổ chức, cá nhân phải ngừng sử dụng HĐĐT đã thông báo phát hành, tiêu hủy hóa đơn giấy còn tồn. Trình tự thủ tục tiêu hủy theo quy định tại Điều 27, Nghị định 123/2020/NĐ-CP.
- 22. Việc tiêu hủy hóa đơn giấy thực hiện như thế nào?
-
Câu hỏi: Việc tiêu hủy hóa đơn giấy thực hiện như thế nào?
Trả lời: Theo Khoản 2 Điều 27 Nghị định số 123 thì doanh nghiệp, tổ chức phải:
1. Thành lập Hội đồng tiêu hủy hóa đơn có đại diện lãnh đạo, bộ phận kế toán;
2. Lập Bảng kiểm kê hóa đơn cần tiêu hủy;
3. Lập Biên bản tiêu hủy hóa đơn có đủ chữ ký các thành viên;
4. Lập Thông báo kết quả hủy hóa đơn.
Hồ sơ tiêu hủy hóa đơn được lưu tại doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và gửi 1 bản thông báo kết quả hủy hóa đơn đến Cơ quan Thuế theo Mẫu số 02/HUY-HĐG Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định 123 trong thời gian chậm nhất không quá 05 ngày kể từ ngày thực hiện tiêu hủy hóa đơn.
- 23. Muốn thay đổi thông tin đăng ký thì tôi phải làm gì?
-
Câu hỏi: Muốn thay đổi thông tin đăng ký thì tôi phải làm gì?
Trả lời: Tổ chức, cá nhân thay đổi đăng ký sử dụng HĐĐT thông qua cổng thông tin điện tử của tổ chức cung cấp dịch vụ hoặc cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế và nhập đầy đủ thông tin thay đổi vào Mẫu số 01/ĐKTĐ-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.
- 24. Muốn đăng ký chuyển dữ liệu trực tiếp tới Cơ quan Thuế thì tổ chức, doanh nghiệp phải làm gì?
-
Câu hỏi: Muốn đăng ký chuyển dữ liệu trực tiếp tới Cơ quan Thuế thì tổ chức, doanh nghiệp phải làm gì?
Trả lời: Tổ chức áp dụng HĐĐT không mã và đáp ứng các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật được đăng ký chuyển dữ liệu trực tiếp tới Cơ quan Thuế. Tổ chức đăng ký truy cập vào cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế và chọn hình thức “Chuyển dữ liệu HĐĐT trực tiếp đến Cơ quan Thuế” trên Mẫu số 01/ĐKTĐ-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.
- 25. Thời gian Cơ quan Thuế xử lý việc đăng ký chuyển dữ liệu trực tiếp HĐĐT?
-
Câu hỏi: Thời gian Cơ quan Thuế xử lý việc đăng ký chuyển dữ liệu trực tiếp HĐĐT?
Trả lời: Trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày Tổng cục Thuế nhận được đề nghị của doanh nghiệp, tổ chức, Tổng cục Thuế sẽ phối hợp kiểm thử kết nối, truyền nhận dữ liệu. Trường hợp kết quả kiểm thử kết nối, truyền nhận dữ liệu thành công thì doanh nghiệp, tổ chức thực hiện gửi dữ liệu HĐĐT theo hình thức gửi trực tiếp đến Cơ quan Thuế theo quy định.
- 26. Có được sử dụng đồng thời 2 loại HĐĐT vừa có mã, vừa không có mã của Cơ quan Thuế không?
-
Câu hỏi: Có được sử dụng đồng thời 2 loại HĐĐT vừa có mã, vừa không có mã của Cơ quan Thuế không?
Trả lời: Theo nội dung của Mẫu đăng ký Hóa đơn điện tử 01 ban hành kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP thì khi đăng ký sử dụng hóa đơn, DN lựa chọn chỉ sử dụng 1 trong 2 loại: Hóa đơn điện tử có mã hoặc hóa đơn điện tử không có mã của Cơ quan Thuế. Không đăng ký sử dụng đồng thời cả 2 loại.
- 27. Nội dung cơ bản trên hóa đơn điện tử?
-
Câu hỏi: Nội dung cơ bản trên hóa đơn điện tử là gì?
Trả lời:
HĐĐT cần có 09 nội dung cơ bản như sau:
1. Tên hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn.
2. Số hóa đơn.
3. Tên, địa chỉ, MST của người bán.
4. Tên, địa chỉ, MST của người mua (nếu có).
5. Tên, đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hóa, dịch vụ, thành tiền chưa có thuế GTGT, thuế suất thuế GTGT, tổng số tiền thuế GTGT theo từng loại thuế suất, tổng cộng tiền thuế GTGT, tổng tiền thanh toán.
6. Chữ ký của người mua (nếu có), chữ ký của người bán.
7. Thời điểm lập hóa đơn.
8. Thời điểm ký số trên HĐĐT.
9. Mã của Cơ quan Thuế đối với HĐĐT có mã của Cơ quan Thuế.
- 28. Ký hiệu mẫu số hóa đơn là gì?
-
Câu hỏi: Ký hiệu mẫu số hóa đơn là gì?
Đáp án: Ký hiệu mẫu số HĐĐT là một chữ số tự nhiên từ 1 đến 6 để phản ánh loại HĐĐT như sau:
Số 1: HĐĐT giá trị gia tăng
Số 2: HĐĐT bán hàng
Số 3: HĐĐT bán tài sản công
Số 4: HĐĐT bán hàng dự trữ quốc gia
Số 5: HĐĐT khác là tem điện tử, vé điện tử, thẻ điện tử, phiếu thu điện tử hoặc các chứng từ điện tử có tên gọi khác nhưng có nội dung của HĐĐT theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP
Số 6: Các chứng từ điện tử được sử dụng và quản lý như hóa đơn gồm phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ điện tử, phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý điện tử.
- 29. Ký hiệu hóa đơn điện tử là gì?
-
Câu hỏi: Ký hiệu hóa đơn điện tử là gì?
Trả lời: Ký hiệu HĐĐT là nhóm 6 ký tự gồm cả chữ viết và chữ số được quy định như sau:
– Ký tự đầu tiên: C thể hiện HĐĐT có mã của Cơ quan Thuế, K thể hiện HĐĐT không có mã.
– Hai ký tự tiếp theo là hai (02) chữ số cuối của năm dương lịch.
– Một ký tự tiếp theo là một (01) chữ cái được quy định là T, D, L, M, N, B, G, H thể hiện loại HĐĐT được sử dụng, cụ thể:
+ Chữ T: HĐĐT do tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng với CQT.
+ Chữ D: Hóa đơn bán tài sản công và hóa đơn bán hàng dự trữ quốc gia hoặc HĐĐT đặc thù không nhất thiết phải có một số tiêu thức do các doanh nghiệp, tổ chức đăng ký sử dụng.
+ Chữ L: HĐĐT của Cơ quan Thuế cấp theo từng lần phát sinh.
+ Chữ M: HĐĐT được khởi tạo từ máy tính tiền.
+ Chữ N: phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ điện tử.
+ Chữ B: phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý điện tử.
+ Chữ G: tem, vé, thẻ điện tử là hóa đơn GTGT.
+ Chữ H: tem, vé, thẻ điện tử là hóa đơn bán hàng.
– Hai ký tự cuối là chữ viết do người bán tự xác định căn cứ theo nhu cầu quản lý.