Logo Tổng cục thuế - Cục thuế thành phố Hồ Chí Minh

Chống thất thu thương mại điện tử: ngành thuế đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

2024-01-05

 Đó là khẳng định của Vụ trưởng Vụ Thanh tra, kiểm tra thuế (Tổng cục Thuế) Vũ Mạnh Cường tại cuộc họp báo thường kỳ quý III do Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức ngày 20/10. 

Media/1_HCMTAX/FolderFunc/202101/Images/tc04-20210105051554-e.jpg

Theo ông Vũ Mạnh Cường, vài năm gần đây, khi hoạt động kinh doanh trên nền tảng số phổ biến tại các TP lớn ở Việt Nam, ngành thuế đã có nhiều giải pháp để chủ động quản lý. Cụ thể, Tổng cục Thuế đã tham mưu, trình các cấp có thẩm quyền, trình Quốc hội ban hành Luật Quản lý thuế số 38 có hiệu lực từ 1/7/2020. Theo đó, để đấu tranh phòng chống gian lận qua hoạt động thương mại điện tử, Luật đã quy định nhiệm vụ, chức năng, quy tắc phối hợp giữa các bộ, ban, ngành. Trong đó, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông có nhiệm vụ cung cấp, phối hợp để chuyển dữ liệu thông tin và biện pháp quản lý đối với hoạt động kinh doanh qua mạng cho cơ quan thuế. Cùng với đó, ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp tất cả dữ liệu mua bán hàng hoá khi được cơ quan thuế đề nghị. Trên cơ sở này, ngành thuế đã hoàn thiện cơ chế quản lý thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.

 

Cụ thể, cơ quan thuế đã hỗ trợ người nộp thuế kê khai, nộp thuế điện tử, từng bước tiến tới thanh kiểm tra thuế điện tử. Khi đó, cán bộ thuế sẽ ở trụ sở, thông qua cổng thông tin điện tử để thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, mà không cần phải xuất hiện tại trụ sở DN. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, đặc biệt là sự phối hợp của các cơ quan truyền thông, nhằm hình thành thói quen về nghĩa vụ với NSNN của từng người dân.

 

Media/1_HCMTAX/FolderFunc/202101/Images/tc04a-20210105051554-e.jpg

 

Ông Vũ Mạnh Cường cho biết thêm, thời gian qua, hoạt động kinh doanh qua thương mại điện tử chủ yếu xuất hiện ở Hà Nội và TP HCM là 2 địa bàn có nền tảng công nghệ thông tin phát triển. Do đó, ngành thuế đã chủ động tuyên truyền đến các cá nhân, tổ chức. Riêng tại TP Hà Nội, từ năm 2017 đến nay, cơ quan thuế đã rà soát và gửi tin nhắn SMS thông báo, hướng dẫn tới 13.422 chủ tài khoản Facebook có hoạt động kinh doanh bán hàng qua mạng. Đến thời điểm hiện tại, có trên 2.000 cá nhân đã đăng ký và được cấp mã số thuế để kê khai, nộp thuế. Cơ quan thuế cũng đã chủ động đề nghị 45 ngân hàng thương mại cung cấp thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế. Theo dữ liệu do các ngân hàng cung cấp, số lượng tổ chức, cá nhân mở tài khoản tại các ngân hàng là 18.304 với tổng số thu nhập nhận được từ các trang mạng xã hội Google, Facebook, Youtube là hơn 1.462 tỷ đồng. Qua tuyên truyền, hướng dẫn kê khai, nộp thuế của cơ quan thuế, các tổ chức, cá nhân đã tự giác thực hiện nghĩa vụ với NSNN. Cùng với đó, qua thanh kiểm tra, cơ quan thuế đã thu nộp vào ngân sách gần 14 tỷ đồng tiền thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp. Riêng đối với hoạt động cho thuê nhà thông qua các ứng dụng điện tử, cơ quan thuế đã xác định được doanh thu của hoạt động này trong 8 tháng năm 2020 là trên 5.000 tỷ đồng, từ đó khai thác tăng thu khoảng 93 tỷ đồng vào NSNN. Hiện các cục thuế đang tiếp tục có văn bản gửi các ngân hàng thương mại đề nghị cung cấp thông tin của tổ chức, cá nhân có thu nhập từ dịch vụ trên các trang mạng xã hội nước ngoài để thực hiện quản lý thuế. Đồng thời, sẽ đẩy mạnh thanh kiểm tra đối với người nộp thuế không tự giác kê khai thuế sau khi đã được tuyên truyền, hướng dẫn. Đối với trường hợp chây ỳ, sẽ phối hợp với cơ quan công an xác minh thông tin để có biện pháp quản lý kịp thời. Đối với hoạt động có quy mô lớn, đặc thù, cơ quan thuế sẽ phối hợp với Cục An ninh phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) để xử lý theo quy định pháp luật.

 

Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, để tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử, Ban chỉ đạo vừa ban hành Kế hoạch 399/KH-BCĐ389 được triển khai trong 3 năm, từ ngày 1/11/2020 đến ngày 31/10/2023. Theo đó, Tổng cục Thuế sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng, các công ty viễn thông, công ty cung cấp hạ tầng mạng cập nhật đầy đủ các thông tin của tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử. Trên cơ sở đó, tăng cường công tác quản lý thuế, có biện pháp truy thu đối với các tổ chức, cá nhân không khai báo. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý kịp thời những tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Theo Ban chỉ đạo 389 quốc gia, 9 tháng năm 2020, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý gần 138.400 vụ việc vi phạm, thu nộp NSNN gần 15.679 tỷ đồng (tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2019), khởi tố 1.497 vụ với 1.800 đối tượng. Riêng cơ quan thuế đã phát hiện, xử lý gần 49.000 vụ vi phạm, nộp NSNN hơn 13.267 tỷ đồng.

Minh Huệ

Cùng chuyên mục

  • Tiết kiệm 3.500 tỷ nhờ hạn chế in mới tiền lẻ dịp Tết

  • Lợi nhuận ngân hàng năm 2021 sẽ tiếp tục khả quan

  • Ông Trương Văn Phước: ‘Đừng quá bi quan khi bị dán mác thao túng tiền tệ’

  • Thị trường ôtô tránh giảm sốc nhờ thuế phí

To Top