- Trang chủ
- Tin Kinh tế
Tin Kinh tế
-
Bàn về thuế đối với hộ kinh doanh cá thể
Khái quát về hộ kinh doanh cá thể Hộ kinh doanh (HKD) cá thể là cá nhân hoặc hộ gia đình được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để tiến hành các hoạt động kinh doanh. HKD có địa điểm kinh doanh cố định, không thường xuyên thuê lao động, không có con dấu và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình với hoạt động kinh doanh. Tài sản chung của hộ gia đình là tài sản do các thành viên trong hộ cùng nhau tạo lập nên hoặc được cho chung vào các tài sản khác do các thành viên thỏa thuận là tài sản chung của hộ. Trong trường hợp tài sản chung của hộ không đủ để thực hiện nghĩa vụ chung thì các thành viên phải liên đới chịu trách nhiệm. Theo Luật Doanh nghiệp (DN) năm 2014 và Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 về đăng ký DN: HKD do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới 10 lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh. Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện. UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương. HKD có sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập DN theo quy định. Khi thành lập HKD thì cần lưu ý những nội dung sau: Đối tượng được quyền đăng ký HKD có thể là cá nhân hoặc hộ gia đình. Cụ thể, công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự thì có quyền được đứng tên trên giấy phép hộ kinh doanh của mình. Hoặc các thành viên trong 1 gia đình, nhóm bạn... muốn cùng nhau kinh doanh thì có thể đăng ký thành lập HKD và người đứng tên trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sẽ là người được thay mặt (đại diện) cho những người tham gia. Một người chỉ đứng tên duy nhất 1 HKD, xét trên phạm vi cả nước. Nếu người này đã có HKD, mặc dù không kinh doanh từ lâu nhưng HKD này vẫn chưa được tiến hành giải thể thì người này vẫn không thể đứng tên HKD mới này (muốn đăng ký HKD mới phải giải thể HKD cũ). Đối với cách đặt tên HKD, bắt buộc HKD phải có tên riêng – tên này phải đảm bảo 2 thành tố đó là: “HKD + Tên riêng của HKD”. Ngoài ra, cần lưu ý tên này không bao gồm những cụm từ gây nhầm lẫn với loại hình DN như không được thêm vào các thành tố “công ty”, “DN”; tên riêng của HKD không được trùng với tên riêng của những HKD khác trong phạm vi quận (huyện); không được sử dụng tên tiếng Anh để đặt tên cho HKD, nếu muốn sử dụng tên tiếng Anh phải đảm bảo giữa những ký tự phải có dấu chấm đi kèm. Ví dụ: HKD E.M.I.L.Y. Một HKD cá thể chỉ được đặt tại một địa điểm duy nhất trên phạm vi toàn quốc và không được thành lập chi nhánh, địa điểm kinh doanh hay văn phòng đại diện như công ty. Trường hợp địa chỉ này là nhà thuê hoặc mượn thì cần phải xác minh rõ tại địa chỉ này từ trước đến nay đã có ai thành lập HKD ở đây chưa? Nếu có thì họ đã giải thể HKD này chưa? Để xác minh được điều này thì cần yêu cầu chủ nhà lên UBND quận/huyện để hỏi rõ về vấn đề có tồn tại HKD này ở đây không? Trường hợp có HKD mà chưa giải thể thì chủ nhà có thể lên UBND quận yêu cầu giải thể hộ kinh doanh này với lý do chủ HKD đã bỏ đi và không còn hoạt động ở đây nữa. Địa chỉ đăng ký HKD tuyệt đối không được là chung cư. Địa chỉ đang nằm trong khu quy hoạch của nhà nước thì không được thành lập HKD... Về số lượng lao động tối đa mà HKD cá thể được phép sử dụng là từ 9 lao động. Nếu có từ 10 lao động thì HKD phải tiến hành thành lập DN để tránh bị cơ quan chức năng xử lý vi phạm. Đối với ngành nghề được đăng ký thì HKD muốn kinh doanh ngành nào thì thể hiện trên tờ khai đăng ký, cơ quan đăng ký sẽ hướng dẫn cách thể hiện sao cho hợp lý nhất có thể. HKD cần chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cần có để đăng ký như: Hợp đồng thuê nhà hoặc mượn nhà giữa chủ nhà và chủ HKD phải được ký trực tiếp, không thông qua trung gian; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bản photo (nếu có)); 2 CMND sao y công chứng không quá 3 tháng của chủ hộ và các thành viên (nếu có); Các chứng chỉ bằng cấp đối với ngành nghề có điều kiện (sao y công chứng). Các loại thuế phải nộp đối với hộ kinh doanh cá thể HKD cá thể mà có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống sẽ được miễn thuế. Các loại thuế phải nộp đối với HKD cá thể như sau: Thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Các loại thuế phí này nộp căn cứ vào doanh thu hàng năm của HKD. Về thuế môn bài Thuế môn bài đóng 1 lần 1 năm vào đầu năm hoặc vào thời điểm thành lập HKD đã đăng ký mã số thuế hộ kinh doanh. Căn cứ theo khoản 2, Điều 4, Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016 của Chính phủ quy định về lệ phí môn bài và Nghị định số 20/2020/NĐ-CP ngày 24/02/ 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016 quy định về lệ phí môn bài. Theo đó, Nghị định này quy định về mức thu lệ phí môn bài như sau: Đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ: Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng, mức lệ phí môn bài phải nộp là 3.000.000 đồng/năm; Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống, mức lệ phí môn bài phải nộp là 2.000.000 đồng/năm; Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác, mức lệ phí môn bài phải nộp là 1.000.000 đồng/năm; Doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau: Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm, mức lệ phí môn bài phải nộp là 1.000.000 đồng/năm; Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm, mức lệ phí môn bài phải nộp là 500.000 đồng/năm; Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 100 - 300 triệu đồng/năm, mức lệ phí môn bài phải nộp là 300.000 đồng/năm. Nếu tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh hoặc mới thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế, mã số DN trong thời gian của 6 tháng đầu năm thì nộp mức lệ phí môn bài cả năm; nếu thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế, mã số doanh nghiệp trong thời gian 6 tháng cuối năm thì nộp 50% mức lệ phí môn bài cả năm. Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nhưng không kê khai lệ phí môn bài thì phải nộp mức lệ phí môn bài cả năm, không phân biệt thời điểm phát hiện là của 6 tháng đầu năm hay 6 tháng cuối năm. Đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình, nếu có thay đổi doanh thu thì căn cứ để xác định mức thu lệ phí môn bài là doanh thu của năm trước liền kề năm tính lệ phí môn bài. Về thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân Theo Điều 3 Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/06/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện thuế GTGT và thuế TNCN đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh; hướng dẫn thực hiện một số nội dung sửa đổi, bổ sung về thuế TNCN quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế số 71/2014/QH13 và Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế quy định như sau: Trường hợp cá nhân kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu/năm thì sẽ được miễn nộp thuế GTGT và thuế TNCN. Trường hợp này nếu doanh thu phát sinh từ hoạt động cho thuê nhà, cho thuê cửa hàng hoặc doanh thu dựa trên cơ sở hợp đồng ký kết với tổ chức, công ty, cá nhân khác thì người kinh doanh rất dễ chứng minh cho cơ quan thuế. Đối với các trường hợp khác thì cá nhân kinh doanh được coi là trường hợp không xác định được doanh thu đầu ra nên việc ấn định doanh thu tính thuế khoán sẽ thuộc thuẩn quyền của cơ quan quản lý thuế. Doanh thu tính thuế GTGT và doanh thu tính thuế TNCN là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán có sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế thì doanh thu tính thuế được căn cứ theo doanh thu khoán và doanh thu trên hóa đơn. Trường hợp cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu tính thuế khoán hoặc xác định không phù hợp thực tế thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu tính thuế khoán theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Đối với trường hợp cá nhân nộp thuế khoán, nhưng kinh doanh không trọn năm (không đủ 12 tháng trong năm dương lịch) bao gồm cá nhân mới ra kinh doanh, cá nhân kinh doanh thường xuyên theo mùa vụ, cá nhân ngừng/nghỉ kinh doanh thì không phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN (áp dụng như mức doanh thu 100 triệu đồng/năm trở xuống). Kinh doanh thực tế bao nhiêu tháng/năm thì tính thuế chừng đấy tháng. Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán và được cơ quan thuế thông báo số thuế khoán phải nộp, tuy nhiên kinh doanh không trọn năm, thì cá nhân được giảm số thuế tương ứng với số tháng ngừng/nghỉ kinh doanh trong năm. Trường hợp cá nhân kinh doanh theo hình thức nhóm cá nhân/hộ gia đình thì mức tính thuế GTGT và TNCN sẽ tính cho một người đại diện duy nhất. Nếu nhóm/hộ này có mức doanh thu 100 triệu đồng/năm trở xuống thì không phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN. Tỷ lệ thuế tính trên doanh thu gồm tỷ lệ thuế GTGT và tỷ lệ thuế TNCN áp dụng đối với từng lĩnh vực ngành nghề như sau: Phân phối, cung cấp hàng hóa có tỷ lệ thuế GTGT là 1%; tỷ lệ thuế TNCN là 0,5%. Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu có tỷ lệ thuế GTGT là 5%; tỷ lệ thuế TNCN là 2%. Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: tỷ lệ thuế GTGT là 3%; tỷ lệ thuế TNCN là 1,5%. Hoạt động kinh doanh khác có tỷ lệ thuế GTGT là 2%; tỷ lệ thuế TNCN là 1%. Số thuế GTGT và thuế TNCN phải nộp được tính như sau: Thời điểm xác định doanh thu tính thuế đối với doanh thu tính thuế khoán thì thời điểm cá nhân thực hiện việc xác định doanh thu là từ ngày 20/11 đến ngày 15/12 của năm trước năm tính thuế. Còn đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán mới ra kinh doanh (không hoạt động từ đầu năm) hoặc cá nhân thay đổi quy mô, ngành nghề kinh doanh trong năm thì thời điểm thực hiện việc xác định doanh thu tính thuế khoán của năm là trong vòng 10 ngày kể từ ngày bắt đầu kinh doanh hoặc ngày thay đổi quy mô, ngành nghề kinh doanh. Tóm lại, đăng ký HKD dễ thực hiện hơn so với thành lập DN, nhưng khi tiến hành thủ tục đăng ký HKD gặp một số vướng mắc, bởi việc có khuôn khổ sẽ dễ đi vào quy định hơn. Tuy nhiên, về mức thuế sẽ được hỗ trợ nhiều hơn ví dụ như hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm được miễn lệ phí; chỉ nộp 300 nghìn - 1 triệu đồng tùy thuộc vào doanh thu, trong khi đó DN phải nộp 1 - 3 triệu đồng, tùy theo vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư. Thuế GTGT của hộ kinh doanh chỉ từ 1 - 2 - 5% doanh thu, trong khi DN siêu nhỏ chịu thuế suất 0 - 5 - 10% (có được khấu trừ thuế). DN siêu nhỏ cũng phải chịu thuế thu nhập DN suất phổ thông 20% trong khi HKD chỉ chịu thuế TNCN từ 0,5 - 2 - 5% doanh thu. Tài liệu tham khảo: 1. Quốc hội (2014) Luật Doanh nghiệp năm 2014; 2. Chính phủ (2015), Nghị định số 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp; 3. Chính phủ (2016), Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 4/10/2016 quy định về lệ phí môn bài; 4. Chính phủ (2020), Nghị định số 20/2020/NĐ-CP ngày 17/02/2020 thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; 5. Bộ Tài chính (2015), Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/06/2015.
-
Không tiếp tục kéo dài giảm phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước
Mới đây, Bộ Tài chính đã có Văn bản số 14246/BTC-CST báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 14247/BTC-CST xin ý kiến các bộ, ngành về việc rà soát giảm phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhằm gia hạn thêm 06 tháng đối với các khoản phí, lệ phí đã điều chỉnh giảm tại 21 Thông tư ban hành trong năm 2020. Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2020, thực hiện chủ trương hỗ trợ, giảm khó khăn cho doanh nghiệp, người dân và thực hiện quy định pháp luật phí, lệ phí, Bộ Tài chính đã chủ động, tích cực, khẩn trương, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ rà soát để ban hành theo thẩm quyền (hoặc trình Chính phủ ban hành) văn bản quy định miễn, giảm phí, lệ phí. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 70/2020/NĐ-CP ngày 28/6/2020 quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020. Theo đó, mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP ngày 21/02/2020 về lệ phí trước bạ. Nghị định này sẽ hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính ban hành 21 Thông tư điều chỉnh mức thu (giảm) phí, lệ phí với mức giảm cao như: giảm 50% mức thu phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng; giảm 50% mức phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng;... Các Thông tư này sẽ hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021. Cũng theo tính toán của Bộ Tài chính, tổng số phí, lệ phí ước hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp khoảng 1.000 tỷ đồng; đồng thời việc giảm 50% phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ khiến tổng thu ngân sách nhà nước giảm khoảng 3.700 tỷ đồng. Bộ Tài chính cho rằng, việc giảm phí trước bạ đối với ô tô chỉ là giải pháp ngắn hạn nhằm kích thích tiêu dùng trong nước, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. Đáng lưu ý, trong quá trình thực hiện, Đại sứ quán một số nước (Indonesia, Thái Lan) và Hiệp hội Eurocham có ý kiến và gặp Bộ Tài chính kiến nghị về việc phân biệt đối xử giữa xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước. Chính vì thế, Bộ Tài chính trình đề xuất Chính phủ khi Nghị định số 70/2020/NĐ-CP hết hiệu lực (từ ngày 1/1/2021) không tiếp tục xem xét kéo dài việc giảm phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Đồng thời, để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngày 20/11, Bộ Tài chính cũng đã xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hai chủ trương sau: Thứ nhất, đối với các khoản phí, lệ phí đã điều chỉnh giảm năm 2020 (tại 21 Thông tư của Bộ Tài chính) được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 30/6/2021. Bộ Tài chính ban hành Thông tư để có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021 đảm bảo tính liên tục. Thứ hai, các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương đánh giá tình hình thực hiện; rà soát và đề xuất điều chỉnh giảm mức thu các khoản phí, lệ phí (gồm cả các khoản phí, lệ phí đã giảm trong năm 2020) thuộc ngành, lĩnh vực quản lý, gửi Bộ Tài chính. Bộ Tài chính ban hành Thông tư điều chỉnh giảm mức thu phí, lệ phí theo trình tự, thủ tục rút gọn và có hiệu lực kể từ ngày ký, để kịp thời tiếp tục hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
-
Trên 9.900 tỷ đồng đã được cơ quan thuế các cấp thực hiện khoanh nợ
Theo số liệu vừa cập nhật của tổng cục Thuế, tính đến hết 2/11 đã có 49/63 cục thuế ban hành quyết định khoanh nợ với số tiền thuế nợ được khoanh là 9.907 tỷ đồng, bằng 62% nhiệm vụ Tổng cục Thuế giao. Tổng cục Thuế cho biết, nhằm thực hiện đảm bảo xử lý nợ chặt chẽ, đúng đối tượng, đáp ứng các điều kiện, ngày 15/7/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 69/2020/TT-BTC quy định hồ sơ và trình tự, thủ tục xử lý nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội. Theo đó, việc xử lý nợ bên cạnh mục đích tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, nhưng phải phòng ngừa và ngăn chặn việc lợi dụng chính sách để trục lợi và cố tình chây ỳ, nợ thuế. Tính đến ngày 2/11, bám sát các chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Cục Thuế Hà Nội đã thực hiện khoanh nợ với số tiền nợ được khoanh là 3.301 tỷ đồng, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh thực hiện khoanh nợ số tiền là 2.167 tỷ đồng nợ thuế; Cục Thuế Hải Phòng thực hiện khoanh nợ số tiền là 537 tỷ đồng... Như vậỵ, nhiệm vụ đặt ra cho cơ quan Thuế các cấp trong 2 tháng còn lại của năm 2020 là phải khoanh nợ, xoá nợ khoảng 17.050 tỷ đồng, trong đó, số nợ được khoanh là 6.693 tỷ đồng và số nợ xoá là 10.357 tỷ đồng. Để thực hiện nhiệm vụ này, Tổng cục Thuế đã yêu cầu lãnh đạo cơ quan Thuế các cấp phải tập trung chỉ đạo, kiểm tra việc xử lý khoanh nợ, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp không còn khả năng nộp ngân sách theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, tham mưu, Cơ quan Thuế sẽ báo cáo UBND Thành phố, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế để kịp thời có quyết định chỉ đạo tháo gỡ. Đối với bộ phận nghiệp vụ, pháp chế cần tiến hành thẩm định đúng đối tượng được khoanh nợ, xóa nợ; hồ sơ khoanh nợ, xóa nợ thuế phải đảm bảo đầy đủ, thực hiện đúng trình tự các bước được quy định tại Thông tư số 69/2020/TT-BTC ngày 15/7/2020 của Bộ Tài chính để trình các cấp có thẩm quyền nhằm đảm bảo công tác xóa nợ chặt chẽ, đúng đối tượng, xử lý tối đa số nợ không còn khả năng nộp ngân sách để giảm nợ thuế.
-
Giá xăng tiếp tục giảm về mức 25.000 đồng/lít
Giá xăng trong nước đã có lần giảm giá thứ 3 liên tiếp, đưa xăng E5RON92 về giá bán 25.070 đồng/lít. Ngày 21-7, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã điều chỉnh giá xăng dầu trong nước, áp dụng từ 15 giờ cùng ngày. Cụ thể, xăng E5RON92 giảm 2.710 đồng/lít, xăng RON95 giảm 3.600 đồng/lít. Sau điều chỉnh, xăng E5RON92 có giá bán là 25.070 đồng/lít, xăng RON95 là 26.070 đồng/lít. Tương tự, các mặt hàng dầu cũng đồng loạt giảm giá. Theo đó, dầu diesel giảm với mức là 1.740 đồng/lít, dầu hỏa giảm 1.100 đồng/lít, dầu mazut giảm 1.170 đồng/kg. Sau điều chỉnh, dầu diesel có giá bán 24.850 đồng/lít, dầu hỏa 25.240 đồng/lít và dầu mazut 16.540 đồng/kg. Tại kỳ điều hành này, Liên Bộ Công Thương - Tài chính trích Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các loại xăng ở mức 950 đồng/lít; các loại dầu trích từ 550 đồng đến 950 đồng tùy từng loại. Như vậy, giá xăng dầu trong nước đã có lần giảm giá thứ 3 liên tiếp, trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới đi xuống và mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng này giảm xuống mức sàn theo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Tại phiên họp của Ban chỉ đạo điều hành giá mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh với mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính cần tiếp tục tính toán phương án điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng để ổn định mặt bằng giá chung. Cùng với đó, các bộ, ngành tiếp tục theo dõi tình hình, chủ động điều hành để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước không bị gián đoạn trên cơ sở đánh giá khả năng cung cấp từ nguồn sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu; theo dõi sát diễn biến giá thế giới để có phương án điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp; nghiên cứu có chính sách hỗ trợ ngư dân bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu. Nguồn: Báo Người lao động.
-
Đề xuất giảm 10% thuế nhập khẩu ưu đãi với xăng
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi vừa ký văn bản gửi Bộ Tư pháp về việc lấy ý kiến thẩm định về dự án Nghị định sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (thuế MFN) đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10. Theo Bộ Tài chính, để đảm bảo tính kịp thời trong việc ổn định, đa dạng hóa nguồn cung, đảm bảo an ninh năng lượng và góp phần kiềm chế sự gia tăng của giá xăng dầu trong nước trước biến động của giá xăng dầu thế giới nhằm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, hỗ trợ phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh thì việc điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng xăng là giải pháp khả thi và có hiệu quả trong bối cảnh hiện nay. Bộ Tài chính đề xuất giảm 10% thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng xăng Trên cơ sở ý kiến các bộ, ngành, địa phương, căn cứ vào nguyên tắc ban hành Biểu thuế, thuế suất quy định tại Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 cũng như diễn biến thị trường xăng dầu thế giới gần đây, Bộ Tài chính trình Chính phủ điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì (thuộc mã HS từ 2710.12.21 đến 2710.12.29) từ 20% xuống 10% thay cho phương án gửi xin ý kiến trước đó là từ 20% xuống 12%. Đối với mặt hàng dầu, Bộ Tài chính trình Chính phủ tiếp tục áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN là 7% như hiện hành để không phát sinh nghĩa vụ của Chính phủ trong cam kết GGU với Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn. Hiện nay, mức thuế nhập khẩu FTA đối với dầu trong khuôn khổ Hiệp định ATIGA với các nước ASEAN và Hiệp định FTA với Hàn Quốc đã được giảm về 0% nên kim ngạch nhập khẩu theo thuế suất thuế nhập khẩu MFN là không đáng kể. Về hiệu lực thi hành, trong bối cảnh thị trường xăng dầu đang diễn biến phức tạp, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định Nghị định có hiệu lực kể từ ngày ký để kịp thời phát huy hiệu quả của giải pháp điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu MFN. Về thời hạn áp dụng chính sách, Sau khi Nghị định có hiệu lực thì các doanh nghiệp nhập khẩu xăng cũng cần phải có thời gian nhất định để tìm kiếm, đàm phán, ký kết hợp đồng với các đối tác mới nên chính sách cũng cần có sự ổn định. Do đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ không quy định thời hạn áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng theo phương án nêu trên. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2021, tổng kim ngạch ngập khẩu có thuế mặt hàng xăng dầu của nước ta là 475,26 triệu USD, trong đó nhập khẩu từ các nước có ký kết Hiệp định FTA với nước ta là 474,1 triệu USD (chiếm 99,7%) và trong 5 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch nhập khẩu có thuế mặt hàng xăng là 826,53 triệu USD, cơ bản cũng được nhập khẩu từ các nước có ký kết hiệp định FTA với nước ta. Như vậy, có thể thấy tỉ trọng xăng nhập khẩu theo thuế suất thuế nhập khẩu MFN hiện nay là thấp. Trong trường hợp các điều kiện khác không thay đổi thì việc điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng xăng theo phương án dự kiến cơ bản sẽ không có nhiều tác động đến thu ngân sách nhà nước. (Theo Báo Người Lao Động)